Thông tư số 161/2007/TT-BTC ngày 31/12/2007 của Bộ Tài chính Hướng dẫn thực hiện mười sáu (16) chuẩn mực kế toán ban hành theo Quyết định số 149/2001/QĐ-BTC
THÔNG
TƯ
Hướng dẫn thực hiện mười sáu (16)
chuẩn mực kế toán ban hành theo Quyết định số 149/2001/QĐ-BTC ngày 31/12/2001,
Quyết định số 165/2002/QĐ-BTC ngày 31/12/2002 và Quyết định số 234/2003/QĐ-BTC
ngày 30/12/2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính
---------------------------------
- Căn cứ Luật Kế toán số 03/2003/QH11 ngày
17/6/2003;
- Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 1/7/2003
của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của
Bộ Tài chính;
Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện mười sáu (16)
chuẩn mực kế toán ban hành kèm theo Quyết định số 149/2001/QĐ-BTC ngày
31/12/2001, Quyết định số 165/2002/QĐ-BTC ngày 31/12/2002, Quyết định số
234/2003/QĐ-BTC ngày 30/12/2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, như sau:
I. QUY ĐỊNH CHUNG
1. Thông tư này áp dụng cho các doanh nghiệp
thuộc các ngành, các thành phần kinh tế trong cả nước.
2. Thông tư này hướng dẫn thực hiện các chuẩn mực
kế toán gồm: Chuẩn mực kế toán số 02 “Hàng tồn kho”, Chuẩn mực kế toán số 03
“Tài sản cố định hữu hình”, Chuẩn mực kế toán số 04 “Tài sản cố định vô hình”,
Chuẩn mực kế toán số 05 “Bất động sản đầu tư”, Chuẩn mực kế toán số 06 “Thuê
tài sản”, Chuẩn mực kế toán số 07 “Kế toán các khoản đầu tư vào công ty liên
kết”, Chuẩn mực kế toán số 08 “Thông tin tài chính về những khoản vốn góp liên
doanh”, Chuẩn mực kế toán số 10 “Ảnh hưởng của việc thay đổi tỷ giá hối đoái”,
Chuẩn mực kế toán số 14 “Doanh thu và thu nhập khác”, Chuẩn mực kế toán số 15
“Hợp đồng xây dựng”, Chuẩn mực kế toán số 16 “Chi phí đi vay”, Chuẩn mực kế
toán số 21 “Trình bày báo cáo tài chính”, Chuẩn mực kế toán số 24 “Báo cáo lưu
chuyển tiền tệ”, Chuẩn mực kế toán số 25 “Báo cáo tài chính hợp nhất và kế toán
khoản đầu tư vào công ty con”, Chuẩn mực kế toán số 26 “Thông tin về các bên
liên quan”.
II. HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHUẨN MỰC KẾ TOÁN SỐ 02
"HÀNG TỒN KHO", CHUẨN MỰC KẾ TOÁN SỐ 03 "TÀI SẢN CỐ ĐỊNH HỮU
HÌNH", CHUẨN MỰC KẾ TOÁN SỐ 04 "TÀI SẢN CỐ ĐỊNH VÔ HÌNH"
Nội dung kế toán hàng
tồn kho, kế toán chi phí sản xuất chung cố định, kế toán hao hụt, mất mát hàng
tồn kho và kế toán dự phòng giảm giá hàng tồn kho được thực hiện theo Chế độ kế
toán Doanh nghiệp ban hành theo Quyết định số 15/2006/QĐ-BTC ngày 20/3/2006
(dưới đây gọi chung là Chế độ kế toán doanh nghiệp hiện hành) của Bộ trưởng Bộ
Tài chính (Xem hướng dẫn các tài khoản thuộc nhóm 15 –Hàng tồn kho).
Nội dung phản ánh và
phương pháp kế toán TSCĐ hữu hình, TSCĐ vô hình
được thực hiện theo Chế độ kế toán Doanh nghiệp hiện hành (Xem hướng dẫn
TK 211, 213).
III. HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHUẨN MỰC KẾ TOÁN SỐ 05 “BẤT
ĐỘNG SẢN ĐẦU TƯ”
1. Bất động sản đầu tư và
các trường hợp ghi nhận:
1.1. Bất động sản đầu tư:
Bất động sản (BĐS) đầu tư là bất động sản, gồm: Quyền
sử dụng đất; Nhà, hoặc một phần của nhà, hoặc cả nhà và đất; Cơ sở hạ tầng do
người chủ sở hữu hoặc người đi thuê tài sản theo hợp đồng thuê tài chính nắm
giữ nhằm mục đích thu lợi từ việc cho thuê hoặc chờ tăng giá mà không phải
để:
- Sử dụng trong sản xuất, cung cấp hàng hóa, dịch vụ
hoặc sử dụng cho các mục đích quản lý; hoặc:
- Bán trong kỳ hoạt động kinh doanh thông thường.
1.2. Các
trường hợp được ghi nhận là bất động sản đầu tư:
- Quyền sử dụng đất (do doanh nghiệp bỏ tiền ra mua
lại) nắm giữ trong thời gian dài để chờ tăng giá;
- Quyền sử dụng đất (do doanh nghiệp bỏ tiền ra mua
lại) nắm giữ mà chưa xác định rõ mục đích sử dụng trong tương lai;
- Nhà do doanh nghiệp sở hữu (hoặc do doanh nghiệp
thuê tài chính) và cho thuê theo một hoặc nhiều hợp đồng thuê hoạt động;
- Nhà đang được giữ để cho thuê theo một hoặc nhiều
hợp đồng thuê hoạt động;
- Cơ sở hạ tầng đang được giữ để cho thuê theo một
hoặc nhiều hợp đồng thuê hoạt động.
1.3. Các trường hợp đặc
biệt được ghi nhận là bất động sản đầu tư
- Đối với những bất động
sản mà một phần doanh nghiệp nắm giữ nhằm mục đích thu lợi từ việc cho thuê
hoạt động hoặc chờ tăng giá và một phần sử dụng cho sản xuất, cung cấp hàng
hóa, dịch vụ hoặc cho quản lý thì nếu những phần tài sản này được bán riêng rẽ
(hoặc cho thuê riêng rẽ theo một hoặc nhiều hợp đồng thuê hoạt động), doanh
nghiệp sẽ hạch toán phần tài sản dùng để cho thuê hoặc chờ tăng giá là bất động
sản đầu tư còn phần tài sản dùng cho sản xuất và quản lý được hạch toán là TSCĐ
hữu hình hoặc TSCĐ vô hình.
Trường hợp bất động sản
không bán được riêng rẽ và phần sử dụng cho kinh doanh hoặc cho quản lý là
không đáng kể (dưới 20% diện tích) thì hạch toán là bất động sản đầu tư. Ví dụ:
Doanh nghiệp có một toà nhà có trên 80% diện tích chuyên cho thuê hoạt động và
dưới 20% diện tích sử dụng làm văn phòng công ty thì toà nhà đó được hạch toán
là bất động sản đầu tư.
-
Trường hợp doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ liên quan cho những người sử dụng
bất động sản do doanh nghiệp sở hữu là một phần tương đối nhỏ trong toàn bộ
thoả thuận thì doanh nghiệp sẽ hạch toán tài sản này là bất động sản đầu tư. Ví
dụ: Doanh nghiệp sở hữu toà nhà cho các đơn vị khác thuê làm văn phòng (cho
thuê hoạt động) đồng thời cung cấp dịch vụ bảo dưỡng và an ninh đối với toà nhà
cho thuê này.
-
Trường hợp, một Công ty con cho Công ty mẹ hoặc Công ty con khác trong cùng một
Tập đoàn thuê hoặc sử dụng và nắm giữ một bất động sản thì bất động sản đó được
hạch toán là bất động sản đầu tư trên Báo cáo tài chính riêng của Công ty con
có bất động sản đó hoặc Báo cáo tài chính riêng của Công ty mẹ nếu Công ty mẹ
cho các Công ty con thuê (nếu nó thoả mãn định nghĩa bất động sản đầu tư),
nhưng không được phản ánh là bất động sản đầu tư trong Báo cáo tài chính hợp
nhất.
2. Kế toán
bất động sản đầu tư: Nội dung phản
ánh và phương pháp kế toán bất động sản đầu tư theo Chế độ kế toán doanh nghiệp
(Xem hướng dẫn TK 217, TK 2147, TK 5117, TK 1567, TK 632).
IV. HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHUẨN MỰC KẾ TOÁN
SỐ 06
"THUÊ TÀI SẢN"
1. Phân loại thuê tài sản
1.1. Phân loại thuê tài sản phải căn cứ vào
bản chất các điều khoản trong hợp đồng và phải thực hiện ngay tại thời điểm
khởi đầu thuê tài sản. Sau thời điểm khởi đầu thuê tài sản nếu có thay đổi các
điều khoản của hợp đồng (trừ gia hạn hợp đồng) thì các điều khoản mới này được
áp dụng cho suốt thời hạn hợp đồng. Nhưng thay đổi về ước tính (thay đổi ước
tính thời gian sử dụng kinh tế hoặc giá trị còn lại của tài sản thuê) hoặc thay
đổi khả năng thanh toán của bên thuê thì không làm thay đổi sự phân loại thuê
tài sản đối với ghi sổ kế toán.
1.2. Phân loại thuê tài sản được căn cứ vào
mức độ chuyển giao các rủi ro và lợi ích gắn liền với quyền sở hữu tài sản thuê
từ bên cho thuê cho bên thuê. Thuê tài sản bao gồm thuê tài chính và thuê hoạt
động.
1.2.1. Thuê tài chính:
a) Thuê tài chính: Là thuê tài sản mà bên
cho thuê có sự chuyển giao phần lớn rủi ro và lợi ích gắn liền với quyền sở hữu
tài sản cho bên thuê. Quyền sở hữu tài sản có thể chuyển giao vào cuối thời hạn
thuê.
b) Các trường hợp thuê tài sản dưới đây
thường dẫn đến hợp đồng thuê tài chính:
- Bên cho thuê chuyển giao quyền sở hữu tài
sản cho bên thuê khi hết thời hạn thuê.
- Tại thời điểm khởi đầu thuê tài sản, bên
thuê có quyền lựa chọn mua lại tài sản thuê với mức giá ước tính thấp hơn giá
trị hợp lý vào cuối thời hạn thuê.
- Thời hạn thuê tài sản tối thiểu phải
chiếm phần lớn thời gian sử dụng kinh tế của tài sản cho dù không có sự chuyển
giao quyền sở hữu.
- Tại thời điểm khởi đầu thuê tài sản, giá
trị hiện tại của khoản thanh toán tiền thuê tối thiểu chiếm phần lớn (tương
đương) giá trị hợp lý của tài sản thuê.
- Tài sản thuê thuộc loại chuyên dùng mà
chỉ có bên thuê có khả năng sử dụng không cần có sự thay đổi, sửa chữa lớn nào.
c) Hợp đồng thuê tài sản cũng được coi là
hợp đồng thuê tài chính nếu hợp đồng thoả mãn ít nhất một trong ba (3) trường
hợp sau:
- Nếu bên thuê huỷ hợp đồng và đền bù tổn
thất phát sinh liên quan đến việc huỷ hợp đồng cho bên cho thuê;
- Thu nhập hoặc tổn thất do sự thay đổi giá
trị hợp lý của giá trị còn lại của tài sản thuê gắn với bên thuê;
- Bên thuê có khả năng tiếp tục thuê lại
tài sản sau khi hết hạn hợp đồng thuê với tiền thuê thấp hơn giá thuê thị
trường.
1.2.2. Thuê hoạt động:
- Thuê tài sản được phân loại là thuê hoạt
động nếu nội dung của hợp đồng thuê tài sản không có sự chuyển giao phần lớn
rủi ro và lợi ích gắn liền với quyền sở hữu tài sản.
- Thuê tài sản là quyền sử dụng đất thường
được phân loại là thuê hoạt động vì quyền sử dụng đất thường có thời gian sử
dụng kinh tế vô hạn và quyền sở hữu sẽ không chuyển giao cho bên thuê khi hết
thời hạn thuê.
2. Hướng dẫn kế toán thuê tài sản là thuê
tài chính
2.1- Ghi
nhận tài sản thuê tài chính đối với bên thuê
2.1.1. Tại thời điểm nhận tài sản thuê, bên thuê ghi
nhận giá trị tài sản thuê tài chính và nợ gốc phải trả về thuê tài chính với
cùng một giá trị bằng với giá trị hợp lý của tài sản thuê. Nếu giá trị hợp lý
của tài sản thuê cao hơn giá trị hiện tại của khoản thanh toán tiền thuê tối
thiểu thì ghi theo giá trị hiện tại của khoản thanh toán tiền thuê tối thiểu.
Khi tính giá trị hiện tại của khoản thanh toán tiền
thuê tối thiểu cho việc thuê tài sản, doanh nghiệp có thể sử dụng tỷ lệ lãi
suất ngầm định hoặc tỷ lệ lãi suất được ghi trong hợp đồng thuê hoặc tỷ lệ lãi
suất biên đi vay của bên thuê.
Trường hợp trong hợp đồng thuê tài chính đã ghi rõ số
nợ gốc phải trả bằng giá trị hợp lý tài sản thuê thì tài sản thuê và nợ phải
trả về thuê tài chính được ghi theo cùng giá trị này.
Giá trị hợp lý hoặc giá trị hiện tại của khoản thanh
toán tiền thuê tối thiểu ghi nhận giá trị TSCĐ thuê tài chính là giá chưa có
thuế GTGT (Kể cả trường hợp TSCĐ thuê tài chính dùng vào hoạt động SXKD hàng
hoá, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp khấu trừ thuế
và trường hợp TSCĐ thuê tài chính dùng vào hoạt động SXKD hàng hoá, dịch vụ
thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT hoặc chịu thuế GTGT tính theo phương pháp
trực tiếp).
2.1.2. Các chi phí trực tiếp phát sinh ban đầu liên
quan đến hoạt động thuê tài chính được tính vào nguyên giá của tài sản thuê.
2.1.3. Khoản thanh toán tiền thuê tài sản thuê tài
chính phải được chia ra thành chi phí tài chính (số tiền lãi thuê tài chính) và
khoản phải trả nợ gốc từng kỳ. Số tiền lãi thuê tài chính phải trả được hạch
toán vào chi phí tài chính trong suốt thời hạn thuê. Số tiền lãi thuê tài chính
ghi nhận vào chi phí tài chính từng kỳ được xác định bằng số dư nợ gốc còn lại
nhân (x) với tỷ lệ lãi suất định kỳ cố định.
Trường hợp số thuế GTGT do bên cho thuê đã trả khi mua
TSCĐ để cho thuê mà bên thuê phải hoàn lại thì số tiền lãi thuê tài chính phải
trả bao gồm cả số lãi tính trên số thuế GTGT mà bên thuê chưa trả cho bên cho
thuê.
2.1.4. Bên thuê có trách nhiệm tính, trích khấu hao
tài sản cố định vào chi phí sản xuất, kinh doanh theo định kỳ trên cơ sở áp
dụng chính sách khấu hao nhất quán với chính sách khấu hao của tài sản cùng
loại thuộc sở hữu của doanh nghiệp đi thuê.
Nếu không chắc chắn là bên thuê sẽ có quyền sở hữu tài
sản thuê khi hết hạn hợp đồng thuê thì tài sản thuê sẽ được khấu hao theo thời
hạn thuê nếu thời hạn thuê ngắn hơn thời gian sử dụng hữu ích của tài sản thuê.
2.1.5. Trường hợp lãi thuê tài chính đủ điều kiện được
vốn hoá vào giá trị tài sản dở dang thì thực hiện theo quy định tại phần hướng
dẫn Chuẩn mực kế toán số 16- Chi phí đi vay.
2.2. Kế toán TSCĐ thuê tài chính: Nội dung phản ánh và phương pháp kế toán
TSCĐ thuê tài chính thực hiện theo quy định tại Chế độ kế toán doanh nghiệp
hiện hành.
3. Hướng dẫn kế toán thuê tài sản là thuê
hoạt động
3.1. Ghi nhận thuê tài sản là thuê hoạt
động đối với doanh nghiệp thuê
Thuê tài sản là thuê hoạt động thì doanh nghiệp thuê
không phản ánh giá trị tài sản đi thuê trên Bảng cân đối kế toán của doanh
nghiệp, mà chỉ phản ánh chi phí tiền thuê hoạt động vào chi phí sản xuất, kinh
doanh theo phương pháp đường thẳng cho suốt thời hạn thuê tài sản, không phụ
thuộc vào phương thức thanh toán tiền thuê (Trả tiền thuê từng kỳ hay trả
trước, trả sau).
3.2. Kế
toán TSCĐ thuê hoạt động: Nội dung phản ánh và phương
pháp kế toán TSCĐ thuê hoạt động thực
hiện theo quy định tại Chế độ kế toán Doanh nghiệp hiện hành.
4. Kế toán giao dịch bán và thuê
lại TSCĐ là thuê tài chính
4.1. Ghi nhận giao dịch
bán và thuê lại tài sản là thuê tài chính
Giao dịch bán và thuê lại
tài sản được thực hiện khi tài sản được bán và được thuê lại bởi chính người
bán. Khoản chênh lệch giữa thu nhập bán tài sản với giá trị còn lại trên sổ kế
toán không được ghi nhận ngay là một khoản lãi hoặc lỗ từ việc bán tài sản mà
phải ghi nhận là thu nhập chưa thực hiện hoặc chi phí trả trước dài hạn và phân
bổ cho suốt thời gian thuê tài sản. Trong giao dịch bán và thuê lại, nếu có chi
phí phát sinh ngoài chi phí khấu hao thì được hạch toán vào chi phí sản xuất,
kinh doanh trong kỳ.
4.2. Kế toán giao dịch
bán và thuê lại tài sản là thuê tài chính: Được thực
hiện theo Chế độ kế toán Doanh nghiệp hiện hành (Xem phần hướng dẫn TK 212).
5. Kế toán giao dịch bán
và thuê lại TSCĐ là thuê hoạt động
5.1. Ghi nhận giao dịch bán và thuê lại
TSCĐ là thuê hoạt động
5.1.1. Nếu giá bán được
thỏa thuận ở mức giá trị hợp lý thì các khoản lỗ hoặc lãi phải được ghi nhận
ngay vào Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh trong kỳ phát sinh;
5.1.2. Nếu giá bán được
thoả thuận thấp hơn giá trị hợp lý thì các khoản lãi hoặc lỗ cũng phải được ghi
nhận ngay trong kỳ phát sinh, trừ trường hợp khoản lỗ được bù đắp bằng khoản
tiền thuê trong tương lai ở một mức giá thuê thấp hơn giá thuê thị trường, thì
khoản lỗ này không được ghi nhận ngay mà phải phân bổ dần phù hợp với khoản
thanh toán tiền thuê trong suốt thời gian mà tài sản đó được dự kiến sử dụng;
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét