Mít tố nữ Phú Hội

Không có nhận xét nào
Mít tố nữ Phú Hội
Vài năm gần đây, mít tố nữ được trồng nhiều ở Long Thành, Long Khánh, Cẩm Mỹ. Do cây tơ và trồng giống mới nên mít tố nữ ở những nơi này đều cho trái to, nhưng dân sành điệu thường tìm cho được mít tố nữ Phú Hội và phải là mít tố nữ thứ thiệt, vì dân nhà vườn ở đây cũng có người đã đưa mít tố nữ giống mới (nhiều nhà vườn gọi là mít Malaysia) vào trồng.  
mit phu hoi.png 
 
Mít tố nữ giống mới có lợi thế là trái to (thường trên 2kg/trái), múi mít cũng to, ngọt và hạt lép, nhưng không có mùi thơm đặc trưng của mít tố nữ Phú Hội. Có một điểm nữa mà các loại mít tố nữ khác không có được là khi xé vỏ trái mít ra thì toàn bộ múi mít vàng ươm bám san sát vào cùi mít, rất hiếm khi nhìn thấy có xơ mít. Ông Hai Dội (Nguyễn Văn Dội) năm nay 82 tuổi, cũng như ông Sáu Tịch (Huỳnh Văn Tịch), 77 tuổi, là những lão nông tri điền ở xóm Hố đều có vẻ tự hào cho biết: Không biết là mít tố nữ có từ bao giờ. Nhưng lớp già chúng tôi biết là ở đất Phú Hội này ngày xưa chỉ có một cây mít tố nữ của ông Ba Tròn trồng ở hố bà Đại. Cây mít này to đến mức hai người choàng tay ôm mới hết gốc. Đến mùa trái mọc chi chít, những đám rễ nổi trên mặt đất cũng có trái. Từ cây mít tổ này, người ta mới gây giống ra trồng cả làng Phú Hội rồi qua cả Long Tân, Phú Thạnh, đến Phước An, Phước Nguyên bên huyện Long Thành. Nghe đâu người ta còn gầy giống mít tố nữ ở đây xuống miền Tây và vùng đất mới Long Khánh. Ông Sáu Tịch nói: Ở Phú Hội này, nhà vườn nào cũng trồng xen vài cây mít tố nữ, nhưng đều là những cây cháu chắt có chừng vài chục năm tuổi thôi. Và mỗi mùa mỗi cây cho vài chục hoặc trăm trái, nhiều lắm là hai trăm trái. Mít tố nữ có đặc điểm là lấy hột đem gieo trồng thì khi có trái lại không có múi, chỉ toàn là xơ. Từ rất lâu đời, những nhà vườn ở Phú Hội đã nắm được kỹ thuật tháp, ghép cây (ở đây thường dùng từ băng). Đó là trồng cây mít ta khi có gốc bằng cườm chân thì "băng" mắt chồi non mít tố nữ vào. Khoảng 4 năm sau, cây mít sẽ cho ra trái 100% là mít tố nữ. Do vậy, đi vào vườn người ta nhìn thấy cây mít tố nữ nào cũng có cái ngấn thành sẹo ở gốc. Cũng là mít tố nữ được trồng theo kỹ thuật "băng" nhưng trái mít tố nữ ở miệt vườn Tam An lại có vỏ vàng, trong khi mít tố nữ ở Phú Hội lại có màu xanh. Những năm gần đây, sầu riêng, chôm chôm ở Phú Hội bị mất mùa do bị lão hóa, đặc biệt là tình trạng nhiễm mặn dưới rễ nên hai loại cây đặc sản một thời ở đây bị đốn bỏ bớt. Thay vào đó, người ta trồng mít tố nữ vì rễ mít ăn cạn nên không làm ảnh hưởng đến hương vị mít tố nữ Phú Hội. Có nhà vườn còn trồng cả hécta mít tố nữ ở khu đất mới khai phá nằm cạnh đường 25B. Ông Nguyễn Văn Đập ở ấp Xóm Hố còn áp dụng việc bón phân và tưới nước trong mùa khô để xử lý cho mít tố nữ có trái chín sớm. Khác với những loại trái cây khác, mít tố nữ chín cây thường không ngon, nên nhà vườn có kinh nghiệm ở Phú Hội thường hái mít tố nữ già đem rửa sạch mủ rồi ngâm nước, sau đó vớt ra ủ 2 đêm trái mít chín thơm lừng mà vỏ vẫn xanh um. 

Nguồn : Đồng Nai GOV

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét